image banner
   
Một số định hướng các lĩnh vực tài nguyên môi trường, cứu hộ cứu nạn...
 
Một số định hướng các lĩnh vực tài nguyên môi trường, cứu hộ cứu nạn...

Bảo vệ tài nguyên và môi trường.

>> Chống xói lở bờ biển

Hiện tại sườn tây bắc có 2 đoạn bờ đang bị xói lở tương đối mạnh trên tổng chiều dài khoảng 1.000 m. Bờ đảo ở đây là hệ thống thềm biển hỗn hợp tích tụ - mài mòn tuổi Holocene sớm - giữa và Holocene muộn, gồm vật liệu thô bở rời (cát, cuội, sỏi) phủ lên bề mặt mài mòn đá gốc. Cấu tạo này rất dễ bị sóng phá hủy, đặc biệt về mùa Đông. Một trong những nguyên nhân xói lở đoạn bờ này là khai thác các đê cuội, đá tảng (cát kết) và cát làm vật liệu xây dựng, đặc biệt từ những năm 1996 trở lại đây.

Đây là nhiệm vụ cấp bách. Cần sớm tổ chức khảo sát chi tiết, nghiên cứu lập giải pháp công trình phòng chống xói lở.

>> Bảo tồn tự nhiên

Nhận thấy tính cấp thiết qua đề xuất của các đề tài nghiên cứu trước đây do Phân viện Hải dương học tại Hải Phòng thực hiện, Chính phủ đã đồng ý cho thành lập khu bảo tồn thiên nhiên biển (Marine Protected Area - MPA) tại đảo Bạch Long Vỹ, nhằm phục hồi hệ sinh thái rạn san hô và tiềm năng nguồn lợi đi kèm, trong đó có bào ngư, khu hệ cá rạn. Việc làm này không những có ý nghĩa kinh tế, môi trường mà còn có ý nghĩa chính trị to lớn.

Khu bảo tồn Bạch Long Vỹ được đề xuất nằm ở phía bắc, đông bắc đảo, gồm phần bắc của sườn tây bắc, mũi đông và phần bắc của sườn đông nam với tổng diện tích 301,8 ha (tính tới độ sâu 6m), trong đó vùng lõi chiếm 165 ha. Tuy nhiên, khi hoạch định chỉ giới khu bảo tồn này mở rộng về phía biển vượt qua giới hạn phân bố của rạn san hô.

Đây là nhiệm vụ quan trọng cấp bách có tầm quan trọng cấp quốc gia và quốc tế, cần tiến hành việc khảo sát, nghiên cứu chi tiết, lập luận chứng khoa học kỹ thuật thành lập khu bảo tồn thiên nhiên biển theo thể thức của IUCN.

Khu bảo tồn thiên nhiên biển là cơ sở quan trọng bảo tồn loài quý hiếm, phục hồi sinh thái rạn san hô và nguồn gen, phục hồi tiềm năng nguồn lợi sinh vật biển cho cả vùng rộng lớn và trực tiếp cho cùng đảo Bạch Long Vỹ với nguồn lợi quý như Bào ngư, cá Song, Hải sâm, v.v. Đặc biệt đối với phát triển nuôi hải sản, du lịch sinh thái dưới nước.

>> Trồng rừng

Trồng rừng ở đây không mang ý nghĩa kinh tế doanh nghiệp như rừng sản xuất mà mang ý nghĩa môi trường và sinh thái của rừng phòng hộ nhằm chống xâm thực rửa trôi bề mặt, giữ ẩm vỏ phong hoá cho thảm thực vật, cải thiện môi trường sinh cư của dân trên đảo. Vì vậy, trong cơ cấu kinh tế của huyện, lâm nghiệp không được tính đến mà coi đó là hoạt động hỗ trợ phát triển.

Đất trồng rừng trên đảo được quy hoạch bao gồm:

- Đất trồng cây phủ xanh, rộng 4 ha ở phía đông nam.

- Đất trồng rừng chống xói mòn sườn, rộng 3,5 ha bao quanh sườn ở độ cao 15m.

- Đất rừng tự nhiên và xen rừng trồng, rộng 35 ha ở độ cao trên 15m, là khu rừng cấm.

>> Quản lý môi trường

(1) - Môi trường trên đảo

- Thu gom và sử lý chất thải

Chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp và các chất thải từ tầu cần được thu gom và đưa về trạm xử lý ở phía tây đảo. Trạm xử lý gồm 2 khu - xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt, chôn vùi, rộng 1,1 ha, khu xử lý chất thải lỏng, rộng 1,1 ha, cần khẩn trương xây dựng phương án xử lý rác thải có công nghệ hiện đại trên đảo. Cần thiết kế hệ thống thoát nước thu về khu xử lý và biệt lập với hệ thống cống rãnh thoát nước mưa để giảm sức chứa và chi phí cho khu xử lý. Lựa chọn vị trí này là do nơi đây thuận tiện xả thải sau xử lý và giảm tối đa ảnh hưởng của mùi, khí độc tới các khu dân cư, công sở, dịch vụ, v.v. theo chiều gió.

Thu gom chất thải trên đảo, kể cả chất thải công nghiệp và rắn, dễ thực hiện hơn việc thu gom chất thải từ tầu và âu cảng. Cần có các thuyền nhỏ vớt rác hàng ngày trong âu cảng, đặc biệt ngăn cấm các hành vi xả thải bừa bãi từ tầu thuyền, rằng buộc nghĩa vụ bảo vệ môi trường với điều kiện neo trú trong âu cảng qua việc thi hành phí môi trường, xử phạt hành vi gây ô nhiễm môi trường, v.v.

- Mai táng

Một khu mai táng rộng khoảng 1,5 ha được bố trí ở chân yên ngựa phía đông đảo gần với trạm xử lý chất thải. Do quỹ đất hạn chế, việc mai táng nên thực hiện dưới hình thức: hoả tán và mộ táng.

(2) - Môi trường biển

- Quan trắc cảnh báo

Môi trường biển khu vực Bạch Long Vĩ cần được quan trắc tại 4 điểm, trong đó 3 điểm cố định ở ven bờ đảo và một điểm di động ở ngoài khơi, bao gồm:

Điểm 1 - đặt ở âu cảng hiện có ở phía tây nam,

Điểm 2 - đặt tại âu cảng dự kiến ở phía tây bắc,

Điểm 3 - đặt ở khu bảo tồn thiên nhiên biển ở phía đông,

Điểm 4 - đặt ở ngoài khơi phía đông bắc hoặc đông nam tuỳ theo mùa gió để cảnh báo lan tràn dầu, hoá chất không rõ thủ phạm.

Hệ thống trạm này có tần xuất quan trắc mỗi tháng 1 lần và phối hợp hoạt động với trạm quốc gia hiện có ở Bạch Long Vỹ. Ngoài các thông số đo nhanh, các thông số cần phân tích được gửi về phòng thí nghiệm chuyên trách tại thành phố Hải Phòng.

- Xử lý sự cố môi trường

Xử lý sự cố môi trường trên đảo, kể cả sự cố cháy nổ hay rò rỉ dầu/hoá chất độc, dễ thực hiện hơn nhiều so với xử lý sự cố môi trường biển do tràn dầu tràn hoá chất. Đối với vùng biển khơi như Bạch Long Vỹ, thay vì ít có khả năng thu gom hay vô hiệu hoá độ tính, việc kiểm soát tình hình và phong toả để bảo vệ tài sản hiện có (khu bảo tồn, khu nuôi sinh thái, bãi tắm) cũng như làm sạch sau sự cố là mục đích chính của chiến dịch ứng cứu sự cố môi trường. Theo đó, cần thành lập đội thường trực được trang bị phương tiện cần thiết. Đội này cần được huấn luyện, tập dượt với các tình huống giả định, phối hợp chắt chẽ với các lực lượng sẵn có trên đảo, trong đó có hệ thống thông tin chiến dịch.

>> Bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Như đã được xác định, một trong những nguyên nhân cơ bản làm suy giảm tiềm năng nguồn lợi sinh vật biển khu vực Bạch Long Vỹ là khai thác quá mức, vì mục đích tiêu sản lượng thay vì chất lượng thương phẩm như mong muốn. Để dần phục hồi nguồn lợi tự nhiên này, cần bảo vệ nghiêm ngặt trên cơ sở phối hợp với lực lượng vũ trang, cảnh sát biển, ban quản lý khu bảo tồn. Nghiên cấm mọi hình thức đánh bắt hủy diệt như dùng chất gây mê, chất nổ, xung điện, khai thác cạn kiệt các đối tượng dưới độ tuổi khai thác vào mùa sinh sản, v.v.. Chủ trương đánh bắt vì chất lượng thương phẩm, không vì sản lượng. Quy chế xử phạt hành chính, cơ chế giá hợp lý, quy định nghĩa vụ và quyền lợi hưởng dịch vụ hậu cần nghề cá của đảo là công cụ pháp lý và kinh tế có thể làm thay đổi hành vi này.

Tổ chức tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển

Đây là công tác xã hội mang tính chất nhân đạo vì mục tiêu hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút lực lượng và củng cố lòng tin của ngư dân, không vì mục đích kinh doanh. Đồng thời đây là một quan điểm cơ bản khác với dịch vụ hàng hải.

Tổ chức cứu hộ, cứu nạn trên biển gồm các thành phần:

(1) - Bộ phân chuyên trách thường trực ứng cứu và phương tiện,

(2) - Thầy thuốc chuyên khoa xử lý tai nạn hàng hải và y học biển,

(3) - Hệ thống thông tin chiến dịch

(4) - Lực lượng hỗ trợ: bộ đội, biên phòng, cảnh sát biển, thanh niên xung phong, các tàu thuyền tại chỗ được huy động,

Một khu neo đậu rộng khoảng 3 ha được bố trí ở cả 2 âu tầu phía tây nam và tây bắc dành cho các tầu thường trực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ chiến lược với quan điểm thu hút tối đa lực lượng lao động tại chỗ và giảm dần lực lượng lao động vãng lai. Lực lượng lao động tương lai là nguồn đào tạo để có các phẩm chất:

(1) - Phổ cập học vấn ở trình độ trung học phổ thông và nghề, tiếp thu văn minh công nghiệp, đô thị,

(2) - Sức khoẻ tốt và giỏi nghề nghiệp,

(3) - Nhận thức tốt về nghề nghiệp, có ý thức bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, bảo vệ tài nguyên và môi trường.

TIN MỚI NHẤT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0