image banner
   
Định hướng phát triển dịch vụ
Đảm bảo sau 2015, có một số phân ngành dịch vụ vượt ra khỏi phạm vi quốc gia, có ý nghĩa quan trọng trong khu vực và quốc tế (dịch vụ hàng hải, dầu khí, ngân hàng, bảo hiểm, y học biển) góp phần phát triển toàn diện nền kinh tế huyện đảo, và đóng góp quan trọng cho phát triển dịch vụ chung của thành phố.

 Định hướng phát triển dịch vụ

- Phát triển dịch vụ với tốc độ nhanh và có chất lượng hơn hẳn các thời kỳ trước. Tỷ trọng dịch vụ trong GDP tiếp tục đạt mức cao trong những năm tới.

- Đảm bảo sau 2015, có một số phân ngành dịch vụ vượt ra khỏi phạm vi quốc gia, có ý nghĩa quan trọng trong khu vực và quốc tế (dịch vụ hàng hải, dầu khí, ngân hàng, bảo hiểm, y học biển) góp phần phát triển toàn diện nền kinh tế huyện đảo, và đóng góp quan trọng cho phát triển dịch vụ chung của thành phố.

Xác định dịch vụ chủ lực huyện đảo là thương mại phục vụ hậu cần nghề cá, mặt khác hình thành các phân ngành, các sản phẩm dịch vụ mới có giá trị tăng trưởng cao phù hợp lợi thế và điều kiện tự nhiên của huyện đảo như dịch vụ dầu khí, hàng hải, du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng...

Mục tiêu phát triển dịch vụ

- Tốc độ tăng bình quân GDP dịch vụ thời kỳ 2006 - 2010 là: 17,8%; thời kỳ 2011 - 2010 khoảng 16,9% (trong đó giai đoạn 2011 - 2015 là: 20,5%, giai đoạn 2016 - 2020 là: 16,9%).

- Cơ cấu nhóm ngành dịch vụ trong tổng GDP huyện năm 2010 là: 75%, năm 2015 là: 82% và năm 2020 là: 85%.

- Giai đoạn 2006 - 2010, tập trung phát triển dịch vụ thương mại trong đó trọng tâm là hậu cần nghề cá (thương mại mua bán thuỷ sản, cung cấp xăng dầu, nước ngọt, hàng tiêu dùng, đá cây), vận tải và bưu điện...

- Giai đoạn 2011 - 2020: Phát triển thêm các dịch vụ lợi thế huyện đảo: dịch vụ hàng hải, dầu khí, du lịch, y học biển, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng.

1. Phát triển hậu cần nghề cá

Bao tiêu sản phẩm

Là một trong bốn chức năng liên kết trong cơ cấu dịch vụ hậu cần nghề cá, bao tiêu sản phẩm là khâu đầu tiên của hệ thống, bao gồm cả sản phẩm chế biến, nuôi trồng, đặc biệt là sản phẩm đánh bắt. Sản lượng bao tiêu cần đạt tới 25.000 tấn/năm vào năm 2010 và tới 40.000 tấn vào năm 2020. Bao tiêu sản phẩm sẽ thu hút phần đáng kể sản lượng khai thác của các tình khai thác các ngư trường trong vịnh Bắc Bộ, trong đó có ngư trường Bạch Long Vỹ. Trong giai đoạn đầu, bao tiêu sản phẩm sẽ thu hút trực tiếp sản phẩm thông qua các hoạt động tại chỗ của các tỉnh ven viển, sau đó là thu hút sản phẩm thông qua các hoạt động liên doanh, liên kết với nghề cá các tỉnh ven biển cùng khai thác ngư trường trong Vịnh Bắc Bộ. Đây là phương thức tạo nguồn sản phẩm lớn và ổn định, đồng thời khuyến khích các lực lượng khai thác của phía Việt Nam trong điều kiện thi hành hiệp định Đánh cá chung trong vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Sơ chế sản phẩm và bảo quản đông lạnh

- Kho đông lạnh

Kho đông lạnh được bố trí gần cảng phía tây nam, gồm các nhà bảo quản khô lạnh các sản phẩm chế biến trước khi xuất khẩu và các nhà bảo quản đông lạnh các sản phẩm khai thác, nuôi trồng chờ chế biến trong trường hợp xưởng chế biến nhận nguyên liệu quá tải.

Tổng diện tích các khu sơ chế sản phẩm và bảo quản đông lạnh là 4,1 ha (xem bản đồ).

Tổng năng lực các kho bảo quản đông lạnh tối thiểu là 600 tấn vào năm 2010 và 1000 tấn vào năm 2020. Đây là công suất đủ thời gian làm hàng 7 - 10 ngày trước khi xuất khẩu .

Cơ sở xuất khẩu hải sản trực tiếp và trung chuyển

Cơ sở này gồm 2 khu: Khu đông nam rộng 0,5 ha là nơi giao dịch xuất - nhập khẩu, thu mua và giới thiệu sản phẩm, khu tây bắc rộng 20 ha là nơi neo đậu tầu xuất khẩu hải sản trực tiếp và trung chuyển. Khu này được thiết kế cho tầu neo đậu tránh sóng gió đông nam về mùa hè và sóng gió đông bắc về mùa đông. Trong các kỳ gió Bắc (mùa đông) và gió tây nam (mùa Hè), tàu thuyền có thể neo trú ở âu kế cận hoặc âu phía tây nam để đảm bảo tiến độ làm hàng xuất khẩu.

Khu đông nam bao gồm các văn phòng, cửa hiệu đảm nhận các chức năng sau:

- Giao dịch xuất - nhập khẩu hải sản, thu mua hải sản tươi sống và hải sản đã chế biến từ nơi khác gắn liền với chức năng bao tiêu sản phẩm.

- Giới thiệu sản phẩm xuất và nhập khẩu, kể cả sản phẩm cung ứng vật tư nghề cá.

- Đặt văn phòng điều hành tổng thể các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá.

Cung ứng hoạt động nghề cá

- Cung ứng thoạt động nghề cá bao gồm cả cung ứng vật tư, nhiên liệu, hàng tiêu dùng, các tiện nghi (duy tu và sửa chữa phương tiện khai thác hải sản và vận chuyển hàng thu mua, hàng xuất nhập khẩu). Các cơ sở cung ứng gồm:

- Nhà nghỉ cho ngư dân đánh cá khi đưa tàu vào neo trú, rộng 2,1 ha nằm sát mép nước của âu tàu phía Tây Nam hiện có.

- Khu dự trữ nước sinh hoạt rộng 2,3 ha ở phía đông của âu tàu hiện có với hệ thống bể chứa và trạm bơm, tổng sức chứa khoảng 3.000 m3 vào năm 2010 và 5.000 m3 vào năm 2020. Cung cấp cho khu dự trữ nước này chủ yếu từ xưởng lọc nước ngọt từ nước biển. Khu dự trữ nước này có chức năng đồng thời cấp nước cho tàu thuyền và sinh hoạt trên đảo cũng như sản xuất nước đá.

- Cung ứng nhiên liệu cho tàu thuyền đánh cá có ảnh hưởng quyết định tới sản lượng đánh bắt hải sản và bao tiêu sản phẩm thông qua hệ thống liên doanh, liên kết. Trạm cấp nhiên liệu hiện có sức chứa 300 m3 chủ yếu cung cấp cho các hoạt động trên đảo. Trong tương lai, sức chứa và khả năng cung ứng của trạm nhiên liệu cần đạt tới 2.000 m3 vào năm 2010 và 3.000 m3 vào năm 2020, đồng thời đảm bảo mọi hoạt động trên đảo, đặc biệt là phát điện diezel, và hoạt động của 300 tàu thuyền đánh bắt hải sản không có khả năng dự trữ nhiên liệu dài ngày.

- Thương mại cung ứng ngư cụ, nhu cầu yếu phẩm cho lực lượng khai thác với giá hợp lý trên cơ sở liên doanh, liên kết, ... Khai thác và bao tiêu sản phẩm. Đây là dịch vụ rất có ý nghĩa, có ảnh hưởng toàn diện tới hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá.

2. Phát triển dịch vụ hàng hải, dầu khí

Dịch vụ hàng hải hiện có Hải đăng Bạch Long Vỹ trong hệ thống dịch vụ tuân thủ các công ước quốc tế với chức năng định vị và báo mù, tuyến giao thông Hải Phòng - Bạch Long Vỹ (kể cả vận tải hành khách và hàng hoá). Trong tương lai, dịch vụ hàng hải có chức năng sau;

(1) - Báo mù, báo bão, các nhiễu động nhiệt đới cho tất cả các tàu thuyền hàng hải và hoạt động trong khu vực đảo Bạch Long Vỹ.

(2) - Định vị dẫn đường cho tàu tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên biển.

(3) - Cung ứng nhu yếu phẩm, dịch vụ hoa tiêu khi cập tàu vào đảo, dịch vụ lưu trú trên đảo.

Như vậy, dịch vụ hàng hải là hệ thống liên kết giữa Bảo đảm hàng hải, khí tượng và các đài truyền tin Duyên hải trong hệ thống ICOM với các dịch vụ tại chỗ trên đảo. Tuy nhiên, việc nâng cấp các chức năng của Hải đăng, trạm khí tượng, trạm thu vệ tinh khí tượng, v.v. nằm ngoài khả năng đầu tư cho quy hoạch cấp huyện.

Trong những năm tới, dịch vụ dầu khí có thể xuất hiện khi tiềm năng dầu khí trở thành hiện thực. Một khu đất rộng 17,5 ha nằm kế cận phía Đông Âu cảng hiện nay cần được dự trữ cho dịch vụ dầu khí bao gồm hệ thống các khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, văn phòng, nhà hội thảo, phòng nghiệp vụ địa chất dầu khí, kỹ thuật khai thác và kinh tế mỏ, khu hậu cần kỹ thuật, thiết bị thăm dò và khai thác dầu khí, v.v... Khu này trở thành cơ sở hậu cần của trường dầu, bãi giếng, giảm tải và chí phí xây dựng giàn khoan .

3. Dịch vụ du lịch

Phát triển du lịch được dự kiến triển khai từ năm 2006, tổng diện tích mặt bằng cho phát triển dịch vụ du lịch dự kiến 24,4 ha gồm 4 chức năng không liên tục:

( 1) - Tiểu khu tắm, rộng 2 ha ở phía tây âu cảng hiện có, gồm có bãi tắm và bể bơi. Bãi này vẫn được sử dụng lâu nay là nơi tắm biển tự do. Đây là bãi cát rộng, dài, độ dốc nhỏ, tương đối kín sóng, nước trong và không có chướng ngại vật ngầm gây nguy hiểm, điều kiện lui tới thuận tiện.

(2) - Tiểu khu thể thao: rộng 4,2 ha nằm liền kề khu tắm, nơi sẽ tổ chức các dịch vụ thể thao, thể dục dụng cụ, tổ chức hội thi, v.v...

(3) - Tiểu khu công viên rộng 8 ha, bao gồm công viên cây xanh nằm ngăn cách giữa các khu dân cư, hành chính với các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác, và công viên đá nằm ở giữa sườn đông nam đảo, kề cận với khu nuôi Bào ngư. Công viên đá nằm giữa mực nước biển trung bình và cao nhất, nơi có bãi đá gốc tương đối bằng phẳng, bãi cuội tảng phơi lộ hoàn toàn trong nhiều giờ mỗi ngày, vào kỳ triều cường, đặc biệt trên đó có sinh vật đáy (giáp xác, thân mềm, v.v.) tương đối phong phú.

(4) - Tiểu khu khách sạn: rộng 10,2 ha nằm ở phía đông bắc âu cảng, bao gồm hệ thống các khách sạn, nhà hàng, câu lạc bộ, khuôn viên cây cảnh phục vụ các khách du lịch khác nhau - du lịch công vụ, lữ hành, nghỉ dưỡng ...

Đối tượng du lịch ở đây là cảnh quan bờ đảo có bãi đá, bãi cát và vành đai xanh, các công trình kiến trúc như nhà đèn hải đăng, trạm khí tượng, trạm nghiệm triều, cảng, công viên cây xanh, không khí trong lành, các công trình văn hóa nhà bảo tàng, đài tưởng niệm, đền chùa, khu nuôi bào ngư, khu bảo tồn biển có cảnh quan ngầm độc đáo.

Du lịch Bạch Long Vỹ sẽ trở thành một điểm hấp dẫn trong hệ thống du lịch biển Việt Nam nối liền với Cô Tô, Móng Cái, Hạ Long - Bái Tử Long, Cát Bà, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò và các điểm du lịch phía nam, kể cả du lịch lữ hành quốc tế.

Hệ thống khách sạn thiết kết phù hợp với điều kiện của đảo, có tiện nghi hiện đại, đủ sức chứa 200 lượt khách/ngày vào năm 2010 và 300 lượt khách/ngày vào năm 2020.

TIN MỚI NHẤT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0