18/06/2008
Định hướng phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật
Điện năng là khâu quyết định mọi hoạt động trên đảo, được tạo ra từ các nguồn điện diezel, điện gió, điện mặt trời, trong đó nguồn điện gió là chủ yếu. Nguồn điện từ pin mặt trời chỉ phục vụ các hoạt động và tồn tại độc lập
Định hướng phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật
Điện năng là khâu quyết định mọi hoạt động trên đảo, được tạo ra từ các nguồn điện diezel, điện gió, điện mặt trời, trong đó nguồn điện gió là chủ yếu. Nguồn điện từ pin mặt trời chỉ phục vụ các hoạt động và tồn tại độc lập
Hạ tầng điện năng
Điện năng là khâu quyết định mọi hoạt động trên đảo, được tạo ra từ các nguồn điện diezel, điện gió, điện mặt trời, trong đó nguồn điện gió là chủ yếu. Nguồn điện từ pin mặt trời chỉ phục vụ các hoạt động và tồn tại độc lập. Điện diezel và điện gió được tiêu dùng thông qua trạm phân phối trung tâm, các trạm biến áp khác nhau và mạng cấp điện.
Trạm phát điện được thiết kế dư tải 20%, hệ thống phát phụ 100% để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng 24 giờ/ngày. Cần lưu ý rằng đối với các dao độc lập, điện diezel là nguồn ổn định nhất, dễ lắp đặt nâng cấp và sửa chữa. Trong tương lai xa khi tiềm năng dầu khí trở thành hiện thực, cần tính đến nguồn điện khí bổ sung. Tổng công suất nguồn điện tối thiểu 15.000 - 20.000 KW (2 - 3 cây quạt gió).
Thông tin liên lạc
Nâng cấp hệ thống viba, dịch vụ viễn thông trong nước và quốc tế và bưu điện là nhu cầu tất yếu cần được đầu tư sớm trong giai đoạn tới năm 2010. Khi dịch vụ hàng hải và các dịch vụ tìm kiếm cứu nạn đi vào hoạt động, cần có thêm các trạm thu thông tin vệ tinh quốc tế chuyên dùng cho dự báo, tìm kiếm cứu nạn (Intersat) dẫn đường hàng hải, dự báo sự cố môi trường, thông tin chỉ huy chiến dịch ứng cứu sự cố môi trường (đặc biệt là tràn dầu quy mô lớn), thông tin chiến dịch trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Cần lưu ý rằng tổ chức hệ thống thông tin chiến dịch là hết sức quan trọng trong điều kiện vùng đảo độc lập xa bờ như Bạch Long Vỹ. Hệ thống này cần được đầu tư thiết bị hiện đại, cơ động, kết nối dễ dàng với mạng viba và hệ thống thông tin quân sự trong trường hợp cần thiết. Để đáp ứng nhu cầu tác nghiệp, cần tổ chức tập dượt nhiều lần với các tình huống giả định.
Trong một hai năm tới phủ sóng mạng di động ở vùng biển đảo Bạch Long Vỹ.
Hạ tầng giao thông
- Giao thông nội hạt
Đảo Bạch Long Vỹ tuy nhỏ nhưng có hệ thống đường nội hạt chưa hoàn chỉnh, chưa đảm bảo đồng thời các mục đích phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng. Cần thiết kế các cấp đường phù hợp với chủng loại phương tiện, điều vận các tuyến đường phù hợp với mật độ giao thông, tần suất hoạt động và tính chất an ninh, quốc phòng.
Ngoài mục đích sử dụng trên, hệ thống đường nội hạt cần được thiết kế kết nối thuận tiện với giao thông thuỷ và đường không.
- Cảng - giao thông thuỷ
Ngay từ lâu khi chưa có cảng, giao thông thuỷ nối liền Hải Phòng với đảo Bạch Long Vỹ đã hình thành, các phương tiện đã cập bến Phú Thuỳ Châu, sau đó là bến Trạm Khí tượng và bến phía tây bắc. Đây là các bến tự nhiên bờ cát có độ sâu thích hợp và ít có chướng ngại vật ngầm. Từ khi có âu tàu bao bọc bến Phủ Thuỳ Châu các phương tiện giao thông lớn có thể neo đậu và thực sự ổn định tuyến giao thông thuỷ vận tải hành khách và hàng hoá giữa thành phố Hải Phòng và đảo Bạch Long Vỹ.
Tuy nhiên, âu tàu hiện có chưa đủ năng lực đáp ứng nhu cầu sử dụng lớn và thường xuyên trong tương lai. Do đó, một âu tàu khác ở phía tây bắc đang được dự kiến xây dựng nhằm giảm tải cho âu tàu hiện nay, đặc biệt để tránh sóng gió đông nam về mùa hè. Âu tàu mới tại bến dã chiến đã từng bước sử dụng được trước đây, sẽ được xây dựng gồm 2 đê chắn sóng, trong đó đê phía tây nam là cầu cảng chính có đường ô tô 2 chiều. Kế cận phía tây nam cầu cảng này là vùng neo đậu của tàu thuyền trung chuyển hàng xuất nhập khẩu. Âu tàu này có tổng diện tích đạt tới 39,6 ha đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng vận tải hàng hoá, hành khách, neo trú của tàu thuyền đánh cá ... vào bất cứ mùa nào trong năm theo từng khu vực chức năng trong âu cảng .
- Đường hàng không
Trên đảo hiện có 1 sân vận động được sử dụng kết hợp làm bãi đỗ trực thăng. Cần có riêng 1 sân bay dân dụng cánh cứng loại nhỏ đặt ở phía bắc của sườn tây bắc đảo rộng 28,8 ha, đáp ứng yêu cầu các hoạt động kinh tế của huyện đảo (kiểu sân bay taxi) .
Hạ tầng cấp nước
Cấp nước là vấn đề thực sự khó khăn nhưng để giải quyết được phải trên cơ sở đa nguồn.
(1) - Sử dụng trực tiếp nước khí quyển
Lượng mưa trên đảo không lớn so với lục địa nhưng mưa tương đối tập trung. Đó là cơ hội sử dụng nước mưa bằng cách xây bể chứa gắn liền với các công trình kiến trúc có mái hứng (nhà ở, công sở...). Lượng nước mưa khai thác được không lớn nhưng rất sạch, đã đáp ứng một phần nhu cầu nước sinh hoạt.
(2) - Sử dụng nước mặt đệm
Nước mặt đệm trên đảo Bạch Long Vỹ chỉ có nước ngầm tầng nông (không có dòng chảy mặt thường xuyên) được khai thác dưới 2 hình thức: giếng khơi và giếng khoan tới độ sâu 80 m; hiện tại nước mặt đệm được coi là nguồn chính, mặc dù lượng nước chưa nhiều. Trong tương lai gần , cần hạn chế và tiến tới ngừng khai thác nước mặt đệm bởi các lý do:
- Coi đây là nguồn dự trữ chiến lược, đặc biệt trong trường hợp khủng hoảng.
- Đảm bảo chất lượng nước ổn định.
- Cân bằng động thái nước ngầm tầng nông liên quan đến thảm thực vật cạn.
(3) - Nước ngầm tầng sâu
Nước ngầm tầng sâu (tới đá móng trước đệ tam) là nguồn cần tính đến nhưng không nên đặt hy vọng nhiều vào đó bởi lẽ: thăm dò tốn kém và khả năng bắt gặp không thể khẳng định được khi đặt lỗ khoan trên đảo, thành phần khoáng hoá vi lượng không phù hợp với nước đang sử dụng, tức là không phù hợp với khả năng thích nghi của cơ thể con người trừ nước khoáng chữa bệnh.
(4) - Nước lọc
Nước lọc ngọt từ nước biển là giải pháp tích cực, dễ áp dụng nhưng vấn đề là ở chỗ cần tập trung vốn đầu tư công nghệ và thiết bị hiện đại để nâng công suất lọc nước và chất lượng nước lọc, đáp ứng các tiêu chuẩn nước công nghiệp và nước sinh hoạt. Hệ thống lọc nước hiện đại cần được hoàn thiện vào năm 2010.
(5) - Nước chuyển tải
Nước chuyển tải từ lục địa bằng tàu lớn 5.000 -10.000 DWT, là phương án tích cực đảm bảo ổn định, đáp ứng nhu cầu nước cho sinh hoạt và cung ứng cho tàu thuyền đánh cá và bảo quản đông lạnh. Loại tàu này sẽ không cập cảng mà neo trụ phía ngoài cấp nước trực tiếp vào khu dự trữ nước để hoà mạng phân phối (phương án này là phương án dự phòng khi thật cần thiết).
Đánh giá chung trong 5 nguồn nước, nguồn 1 là hỗ trợ, nguồn 2 là dự trữ chiến lược, nguồn 3 ít có khả năng, nguồn 5 là dự phòng, được sử dụng khi đặc biệt cần thiết và nguồn 4 là tích cực, ảnh hưởng lâu dài và quyết định tới quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện Bạch Long Vỹ.