Bào
ngư là loài nhuyễn thể chân bụng, một mảnh vỏ, có giá trị cao về dinh dưỡng và
kinh tế. Ở biểnViệt Nam, các nghiên cứu, khảo sát trước đây đã nhận định có 8
loài bào ngư thuộc giống Haliotis. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 4 loài có mẫu vật và thông tin đầy đủ là bào
ngư chín lỗ (Haliotis diversicolor Reeve, 1864), bào ngư bầu dục (Haliotis
ovina Gmelin, 1791), bào ngư vành tai (Haliotis asinina Linnaeus, 1758), bào
ngư dài (Haliotis varia Linnaeus, 1758). Theo các kết quả nghiên cứu, khảo sát
trước đây thì ở Bạch Long Vĩ chỉ có phân bố loài bào ngư chín lỗ (Haliotis
diversicolor Reeve, 1864). Năm 2018, trong phạm vi nghiên cứu đề tài Tiến sỹ,
Ths. NCS Đào Minh Đông và Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ đã tiến
hành điều tra, khảo sát, đã phát hiện thêm loài bào ngư mới, qua phân tích ADN
đã xác định được là loài bào ngư dài (Haliotis varia Linnaeus, 1758). Đây là một
phát hiện mới về mặt khoa học và là cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo về giải
pháp quản lý, phát triển nguồn lợi loài bào ngư này.
BÀO NGƯ BẠCH
LONG VĨ, HIỆN TRẠNG VÀ TIỀM NĂNG
Ths. NCS. Đào
Minh Đông(1), Ths.
Lương Hữu Toàn(2)
(1) Ủy ban nhân dân huyện Bạch Long Vĩ;
(2)
Ban quản lý Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ.
Tóm tắt: Bào ngư là loài nhuyễn thể
chân bụng, một mảnh vỏ, có giá trị cao về dinh dưỡng và kinh tế. Ở biểnViệt
Nam, các nghiên cứu, khảo sát trước đây đã nhận định có 8 loài bào ngư thuộc giống
Haliotis. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 4 loài có mẫu vật và
thông tin đầy đủ là bào ngư chín lỗ (Haliotis diversicolor Reeve, 1864), bào
ngư bầu dục (Haliotis ovina Gmelin, 1791), bào ngư vành tai (Haliotis asinina
Linnaeus, 1758), bào ngư dài (Haliotis varia Linnaeus, 1758). Theo các kết quả nghiên
cứu, khảo sát trước đây thì ở Bạch Long Vĩ chỉ có phân bố loài bào ngư chín lỗ
(Haliotis diversicolor Reeve, 1864). Năm 2018, trong phạm vi nghiên cứu đề tài
Tiến sỹ, Ths. NCS Đào Minh Đông và Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ đã
tiến hành điều tra, khảo sát, đã phát hiện thêm loài bào ngư mới, qua phân tích
ADN đã xác định được là loài bào ngư dài (Haliotis varia Linnaeus, 1758). Đây
là một phát hiện mới về mặt khoa học và là cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo về
giải pháp quản lý, phát triển nguồn lợi loài bào ngư này.
I. MỞ
ĐẦU
Bạch Long Vĩ là một đảo nhỏ nằm giữa Vịnh Bắc Bộ,
diện tích khoảng 1,78km2 tính theo mực triều cao nhất, 2,33km2
tính theo mực nước 0m lục địa (ngang mực biển trung bình), 3,05 km2
tính đến mực nước thấp nhất, diện tích vùng nước ven đảo rộng 7,36 km2
tính đến độ sâu 6m giới hạn phía ngoài của vùng đất ngập nước, diện tích vùng
biển quanh đảo khoảng 50km2 tính đến độ sâu 20m và 80km2
tính đến độ sâu 30m giới hạn chân đảo ngầm. Mặc dù có diện tích không lớn,
nhưng đảo Bạch Long Vĩ có vị trí chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt quan trọng
về quốc phòng - an ninh và trong phát triển kinh tế biển (Trần Đức Thạnh và
nnk, 2010).
Bên cạnh đó, đảo Bạch Long Vĩ còn có nguồn tài
nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú bậc nhất trong khu vực, với các hệ sinh
thái đặc trưng: Hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái bãi triều rạn đá,... với
224 loài thực vật nổi; 78 loài động vật nổi; 125 loài động vật đáy; 84 loài cá,
118 loài san hô và 65 loài rong cỏ biển. Trong đó, có nhiều loài đặc hữu, quý,
hiếm như bào ngư.
Ở biểnViệt Nam, các nghiên cứu, khảo sát trước
đây đã nhận định có khoảng 8 loài bào
ngư thuộc giống Haliotis. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 4 loài có mẫu vật và thông
tin đầy đủ là bào ngư chín lỗ (Haliotis diversicolor Reeve, 1864), bào ngư bầu
dục (Haliotis ovina Gmelin, 1791), bào ngư vành tai (Haliotis asinina Linnaeus,
1758), bào ngư dài (Haliotis varia Linnaeus, 1758).
Theo các kết quả nghiên cứu, khảo sát trước đây
thì ở Bạch Long Vĩ mới chỉ xác định có loài bào ngư chín lỗ (Haliotis
diversicolor Reeve, 1864). Do có giá trị kinh tế cao (giá bào ngư hiện nay tại
Bạch Long Vĩ là 500.000 - 1.500.000 đồng/kg) nên bào ngư đang bị khai thác quá
mức và đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Kết quả khảo sát năm 1987 sản lượng bào ngư
Bạch Long Vĩ đạt 37 tấn bào ngư/năm, đến năm 1992 còn 5 tấn/năm, đến trước năm
2013 sản lượng khai thác chỉ đạt dưới 1 tấn/năm. Khảo sát tháng 10/2017
cho thấy, mật độ dao động từ 1 đến 4 cá thể/500 m2, trung bình toàn
đảo là 1,25 cá thể/500 m2, trữ lượng tức thời bào ngư chín lỗ khoảng
0,05 tấn.
Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ được thành
lập, đi vào hoạt động từ tháng 12/2015 và được UBND thành phố giao nhiệm vụ bảo
tồn và phát triển các loài thủy sinh quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng trong
Khu bảo tồn, trong đó có loài bào ngư. Trong quá trình triển khai công tác
chuyên môn của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển, kết hợp với đề tài nghiên cứu của
NCS Đào Minh Đông, đã phát hiện tại khu vực biển quanh đảo Bạch Long Vĩ, ngoài
loài bào ngư lỗ (Haliotis diversicolor Reeve, 1864) như các nghiên cứu trước
đây đã nhận định thì còn có thêm một loài bào ngư nữa có kích thước nhỏ hơn
cũng phân bố tại khu vực này. Qua phân loại sơ bộ, bước đầu xác định đây là
loài bào ngư dài (Haliotis varia Linnaeus, 1758). Để phân loại chính xác loài
bào ngư này, xác định sơ bộ mật độ, sản lượng, trữ lượng và giá trị kinh tế của
loài bào ngư này ở Bạch Long Vĩ, Ths. NCS. Đào Minh Đông và Ban Quản lý Khu bảo
tồn biển Bạch Long Vĩ đã triển khai nghiên cứu điều tra, khảo sát, phân loại,
đánh giá sản lượng, sinh lượng đối với loài bào ngư dài (Haliotis varia
Linnaeus, 1758) khu vực biển quanh đảo Bạch Long Vĩ.
II. PHƯƠNG
PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Thời gian, địa điểm và đối tượng nghiên cứu
- Thời
gian: Từ tháng
5 - 10/2018.
- Địa
điểm: Khu vực vùng dưới triều xung quanh đảo Bạch Long Vĩ, từ mép nước thủy triều thấp nhất đến độ
sâu 2m.
- Đối tượng nghiên cứu: Loài bào ngư dài (Haliotis varia Linnaeus, 1758).
2.2.
Phương pháp triển khai nghiên cứu
2.2.1.
Phương pháp điều tra, phỏng vấn
Lập phiếu điều tra, phỏng
vấn ngư dân lâu năm trên đảo để xác định sự khác nhau về ngoại hình, phân bố,
môi trường sống, sinh cư,... giữa hai loài bào ngư chín lỗ (bào ngư vỉa) và bào
ngư dài (bào ngư lỗ); xác định sản lượng khai thác hàng năm và giá trị kinh tế.
2.2.2.
Phương pháp khảo sát thu thập và phân
tích mẫu vật
Để khảo sát hiện trạng bào ngư dài Haliotis varia,
nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp “dây mặt cắt” kéo từ mép nước thủy triều thấp
nhất đến độ sâu 2m. Quan sát hai bên dây mặt cắt (rộng 2,5 m), thu, phân tích mẫu
và đếm số lượng bào ngư hiện diện trong khu vực điều tra. Tổng số mặt cắt khảo
sát là 7, các mặt cắt được bố trí tại các điểm phù hợp, đại diện cho các dạng nền
đáy và các điều kiện tự nhiên khác nhau xung quanh đảo.
2.3.
Phương pháp xử lý số liệu
Đánh giá sinh lượng tức thời: Theo hướng dẫn của Michael King (1995) [2];
English et al. (1997) [1]:
- Sinh lượng: được tính bằng khối lượng (hoặc số
cá thể):

Trong đó: b: Sinh lượng trung bình (kg/m2;
cá thể/m2; kg/200 m2; cá thể/200 m2); b1,
b2, ..., bn: Sinh lượng ở mỗi điểm thu mẫu 1, 2, ..., n
III.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1.
Kết quả khảo sát phân tích xác định loài
Theo kết quả điều tra, phỏng vấn ngư dân sống
lâu năm trên đảo cho biết tại Bạch Long Vĩ có hai loài bào ngư, có hình thái
khác nhau rõ rệt:
- Một loài là bào ngư chín lỗ, hay được người
dân thường gọi là Bào ngư vỉa, phân bố khá rộng, từ vùng dưới triều đến độ sâu
trên 10m. Loài này có kích thước lớn hơn và thường sống bám vào mặt dưới của
các vỉa đá.
- Loài thứ hai được người dân thường gọi là bào ngư lỗ, phân bố vùng dưới
triều đến độ sâu khoảng 3 - 4 m. Loài này có kích thước nhỏ, mỏng và dài so với
loài bào ngư vỉa, thường hay sống trong các hốc nhỏ, khe của các vỉa đá.

|
|
Bào ngư
bám dưới vỉa đá
|
Bãi triều rạn đá ven đảo
|

|

|
Bào ngư chín lỗ (bào ngư vỉa)
Haliotis diversicolor
|
Bào ngư dài (bào ngư lỗ)
Haliotis varia
|
Ths. NCS Đào Minh Đông và Ban
quản lý Khu bảo tồn biển đã tiến hành thu mẫu loài bào ngư dài (bào ngư lỗ) để
phân tích ADN, kết quả phân tích ADN như sau:
STT
|
Ký hiệu mẫu
|
Kết quả
|
Phương pháp phân tích
|
1
|
BLV1
|
Haliotis varia Linnaeus1758
|
Sử dụng chỉ thị phân tử 16S rRNA
Các
mồi (primer) sử dụng:
16SAR-CGCCTGTTTATCAAAAACAT,
16SBR-CCGGTCTGAACTCAGATCACGT
(Tài liệu: Hye-Suck An,
Jee Y. J., Min K. S., Kim B. L., Han S. J., 2005. Phylogenetic Analysis of
Six Species of Pacific Abalone
(Haliotidae) Based on DNA Sequences of 16s rRNA and Cytochrome c Oxidase
Subunit I Mitochondrial Genes. Marine Biotechnology, Volume 7,
373-380. Springer Science & Business Media, Inc. 2005).
|
2
|
BLV2
|
Haliotis varia Linnaeus1758
|
3
|
BLV3
|
Haliotis varia Linnaeus1758
|
Qua phân tích ADN và đối chiếu ngân hàng gen do Phòng thí
nghiệm Khoa học biển - Viện Nghiên cứu Hải sản phối hợp thực hiện, đã xác định
loài bào ngư được nhân dân thường gọi là bào ngư lỗ phân bố tại Bạch Long là
loài Bào ngư Dài, có tên khoa học là Haliotis varia Linnaeus 1758.
Như vậy, kết quả nghiên cứu của Ths.
NCS. Đào Minh Đông và Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ đã xác định được
tại vùng biển quanh đảo Bạch Long Vĩ đang phân bố 02 loài bào ngư là: Bào ngư
chín lỗ (bào ngư vỉa, ốc cửu khổng) Haliotis diversicolor Reeve, 1864 và Bào ngư Dài (bào ngư lỗ) Haliotis varia Linnaeus
1758.
Kết quả nghiên cứu đã xác định thêm
một loài mới trong danh mục các loài thủy sinh phân bố tại Bạch Long Vĩ; đã bổ
sung thêm loài bào ngư dài Haliotis varia Linnaeus 1758 vào danh mục các loài động
vật đáy phân bố tại vùng biển quanh đảo Bạch Long Vĩ.
3.2. Kết quả điều tra về giá trị kinh tế
Qua phỏng vấn người dân tại huyện
đảo và điều tra thực tế trên địa bàn huyện và khảo sát tại các cơ sở buôn bán sản
phẩm bào ngư tại khu vực nội thành thành phố Hải Phòng và khu vực thành phố Hạ
Long tỉnh Quảng Ninh cho thấy: Bào ngư chín lỗ Haliotis diversicolor có giá
giao động từ 500.000 - 1.500.000 đồng/kg; bào ngư dài Haliotis varia có giá
giao động từ 250.000 - 600.000 đồng/kg.
Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy
Bào ngư Chín lỗ Haliotis diversicolor và Bào ngư Dài Haliotis varia là 02 loài
hải sản có giá trị kinh tế cao, phân bố chủ yếu tại vùng biển Bạch Long Vĩ. Đây được xem là 02 loài vừa có giá trị bảo tồn, vừa có
ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế cho nhân dân huyện đảo.
3.3. Kết quả khảo sát mật độ, sinh lượng
Sau khi tiến hành khảo sát 7 mặt
cắt xung quanh đảo bằng phương pháp lặn kéo dây mặt cắt, quan sát số lượng cá
thể bào ngư có trong khu vực dây mặt cắt ở hai bên. Nhóm nghiên cứu thu được kết
quả như sau:
Mặt cắt
|
Mật độ (con/200m2)
|
Khối lượng TB/cá thể
|
Sinh lượng (g/200m2)
|
MC1
|
15
|
11,46
|
171,9
|
MC2
|
23
|
10,22
|
235,06
|
MC3
|
38
|
10,48
|
398,24
|
MC4
|
32
|
8,02
|
256,64
|
MC5
|
7
|
8,17
|
57,19
|
MC6
|
10
|
10,83
|
108,3
|
MC7
|
4
|
9,52
|
38,08
|
Trung bình
|
18,43
|
9,81
|
180,77
|
Mật độ bào ngư Haliotis varia
phân bố quanh đảo không đều, thấp nhất là 4 con/m2 và cao nhất là 38 con/200m2; trung bình
quanh đảo là 18,43 con/200m2. Tại các mặt cắt MC2, MC3, MC4 (khu vực
từ Đầu âu cảng Tây Nam đến phía Đông đảo) có mật độ cao hơn khu vực khác, ở các
khu vực này có nền đáy chủ yếu là rạn đá, các loài tảo bám, rêu khá phong phú về
số lượng loài và sinh khối, là nơi sinh cư phù hợp cho bào ngư. Các mặt ở các
khu vực còn lại quanh đảo có mật độ khá thưa, ở các khu vực này, đáy nhiều cát,
ít hốc đá nên không phù hợp cho bào ngư sinh sống. Sinh lượng bào ngư tính từ
mép nước thủy triều thấp nhất đến độ sâu 2m (chiều dài dây cắt 30 - 40m) từ 38,08
- 398,24 g/200m2.
IV. KẾT LUẬN, KHUYẾN
NGHỊ
4.1. Kết luận
Các kết quả nghiên cứu trước đây mới chỉ công bố
vùng biển quanh đảo Bạch Long Vĩ có 01 loài bào ngư chín lỗ Haliotis
diversicolor phân bố. Qua kết quả nghiên cứu này, đã xác định có thêm loài bào
ngư dài Haliotis varia phân bố tại vùng biển quanh đảo Bạch Long Vĩ. Kết quả
nghiên cứu đã bổ sung thêm loài bào ngư dài Haliotis varia Linnaeus 1758 vào
danh mục các loài động vật đáy phân bố tại vùng biển quanh đảo Bạch Long Vĩ.
Đây là kết quả nghiên cứu mới, tạo tiền đề cho các nghiên cứu tiêp theo về loài
bào ngư này.
Bào ngư Haliotis varia thường phân bố vùng dưới
triều, từ mép nước thủy triều thấp nhất đến độ sâu 2 - 4 m; phân bố ở những
vùng đáy rạn đá và vụn san hô, vùng đáy cát thường ít hoặc không có sự phân bố
của loài bào ngư này. Mật độ và sinh lượng bào ngư dài Haliotis varia khá thấp,
mật độ từ 4 - 38 con/m2, sinh lượng 38,08 - 398,24 g/200m2. Giá trị
kinh tế của loài bào ngư này tuy thấp hơn bào ngư chín lỗ những cũng cao hơn so
với nhiều loài động vật đáy khác.
Bào ngư chín lỗ Haliotis diversicolor và
bào ngư dài Haliotis varia là hai đối tượng hải sản phân bố ở vùng biển quanh đảo
Bạch Long Vĩ có giá trị kinh tế cao và đang bị suy giảm nguồn lợi, có nguy cơ cạn
kiệt nếu không kịp thời có giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi.
4.2.
Khuyến nghị
Bào ngư Bạch Long Vĩ (gồm bào ngư chín lỗ và
bào ngư dài) có giá trị kinh tế cao nhưng đang bị suy giảm nguồn lợi và có nguy
cơ cạn kiệt nên cần được bảo vệ nghiêm ngặt và khai thác có kiểm soát.
Để bảo tồn phát triển nguồn lợi bào ngư Bạch
Long Vĩ, cần có các nghiên cứu sâu hơn về đặc điểm sinh học của các loài bào
ngư Bạch Long Vĩ, nghiên cứu về hiện trạng nguồn lợi, hoàn thiện qui trình sinh
sản nhân tạo và các giải pháp nuôi bào ngư tại Bạch Long Vĩ.
Bên cạnh việc bảo vệ, kiểm soát chặt chẽ các hoạt
động khai thác bào ngư, cần phát triển sản xuất giống bào ngư và phát triển
nuôi đối với cả hai loài bào ngư trên cho nhân dân huyện đảo, để vừa bảo vệ nguồn
lợi, vừa tái tạo nguồn lợi và tạo sinh kế cho nhân dân, góp phần duy trì và
phát triển nhãn hiệu bào ngư Bạch Long Vĩ.
V. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Đỗ Công Thung và Nnk, 2014. Quy trình điều tra khảo sát tài nguyên và môi trường
biển. Viện Tài nguyên và Môi trường biển. NXB Khoa học Tự nhiên và Công nghệ.
2. Trần Đức Thạnh (Chủ biên)
và Trần Đình Lân, Nguyễn Thị Minh Huyền, Đinh Văn Huy, Nguyễn Văn Quân, Cao Thị
Thu Trang, Trần Anh Tú, 2013: Thiên nhiên và Môi trường vùng biển đảo Bạch Long
Vĩ, NXB Khoa học Tự nhiên và Công nghệ.
3. Nguyễn Văn Hiếu, 2014. Nghiên
cứu các biện pháp bảo tồn và phát triển nguồn lợi động vật đáy có giá trị kinh
tế, quý hiếm ở vùng biển Bạch Long Vĩ và Cát Bà. Tạp chí Nông nghiệp và PTNT, tháng 12, 2014.
5. Lại Duy Phương và
cộng sự, 2013. Một số đặc điểm sinh học bào ngư chín lỗ (Haliotis diversicolor Reeve, 1864) tại
vùng biển ven đảo Bạch Long Vĩ, Hải phòng. Tạp chí
Nông nghiệp và PTNT, tháng 12, 2013.
6. Ban Quản
lý Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ, 2017. Nghiên cứu, đánh giá hiện
trạng nguồn lợi, đề xuất giải pháp bảo tồn, phục hồi và phát triển loài bào ngư
chín lỗ (Haliotis diversicolor) trong Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ, Hải Phòng.