Di sản văn hoá thành phố Hải Phòng là một bộ phận quan trọng cấu thành kho tàng di sản văn hoá Việt Nam. Thành phố Hải Phòng xây dựng mô hình, phát triển trở thành thành phố thông minh. Với mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và Hệ tri thức Việt số hóa; Đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi. Việc thực hiện “Số hóa, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Hải Phòng” là cần thiết, được xác định là mục tiêu quan trọng, góp phần xây dựng thành phố thông minh; bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa thành phố Hải Phòng.
Thực hiện Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 02/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng đã xây dựng, triển khai Đề án Số hóa, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
1. Về Đối tượng và phạm vi số hóa
Di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, bảo tàng và di sản tư liệu của các dân tộc Việt Nam, bao gồm: hồ sơ, tư liệu; bảo vật quốc gia, hiện vật quý của các bảo tàng và di tích; di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu, di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục kiểm kê di sản; di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, thực hành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và di sản phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh đang được bảo quản, lưu giữ tại thành phố Hải Phòng.
2. Mục tiêu của Đề án
- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu di sản văn hóa thành phố Hải Phòng trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và Hệ tri thức Việt số hóa; Phục vụ có hiệu quả cho các công tác nghiên cứu, giáo dục về lịch sử văn hóa của thành phố Hải Phòng; Số hóa các di sản văn hóa bằng các dạng dữ liệu số hóa tiên tiến, sinh động; Đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng mọi lúc, mọi nơi.
- Xây dựng phần mềm quản lý di sản phù hợp với kiến trúc Chính quyền điện tử của thành phố, bảo đảm khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin dùng chung, chuyên ngành của thành phố thông qua nền tảng chính quyền điện tử thành phố (LGSP); bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và Hệ tri thức Việt số hóa.
- Số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số: Các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh do thành phố Hải Phòng quản lý; các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc thành phố Hải Phòng quản lý; 100% di tích cấp thành phố, di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục kiểm kê, có giá trị đặc sắc hoặc có nguy cơ bị mai một; các di sản tư liệu; các hiện vật, nhóm hiện vật, cổ vật quý hiếm, có giá trị tiêu biểu tại các bảo tàng, ban quản lý di tích do thành phố Hải Phòng quản lý.
3. Xây dựng, tạo lập dữ liệu số về di sản văn hóa
a) Giải pháp phần mềm, website:
Xây dựng phần mềm quản lý khai thác cơ sở dữ liệu di sản văn hóa đảm bảo tích hợp cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa theo tiêu chuẩn khung kiến trúc Chính phủ điện tử do cơ quan quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông ban hành. Đảm bảo thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu theo quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.
Xây dựng ngân hàng dữ liệu dạng số về di sản đảm bảo liên kết, khai thác dữ liệu đa chiều về di sản văn hóa thống nhất trên toàn quốc. Kết nối tích hợp với Cổng thông tin điện tử của thành phố và Internet.
Xây dựng website quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu di sản.
b) Giải pháp số hóa dữ liệu:
Sử dụng công nghệ 2D, 3D, định vị toàn cầu, ... để số hóa xây dựng cơ sở dữ liệu di sản văn hóa như sau:
- Định vị toàn cầu: Sử dụng hệ thống định vị vệ tinh bằng công nghệ GNSS để xác định vị trí trên hệ tọa độ VN2000 cho các di sản vật thể trên địa bàn thành phố.
- Ưu tiên sử dụng Công nghệ 3D: Sử dụng các thiết bị UAV chụp 3 chiều, máy quét 3D mặt đất, máy quét 360° để dựng các công trình kiến trúc di sản và các hiện vật...
- Công nghệ dựng hình 3D quản lý di sản văn hóa: Sử dụng các phần mềm chuyên dụng để quản lý chuẩn hóa các file số 3D và tạo hiệu ứng hình ảnh, âm thanh của các di tích và các hiện vật.
- Ưu tiên sử dụng Công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality): Là một giải pháp toàn diện để trải nghiệm không gian, môi trường giả lập có thể được tích hợp thêm giác quan khác như thính giác (âm thanh) để thể hiện đầy đủ tính toàn vẹn của di sản.
- Công nghệ 2D: Sử dụng các máy quét từ A4 đến A0, máy chụp ảnh số, máy quay video để xây dựng hình ảnh 2D của các văn bản, sắc phong, thần tích... sau đó chuẩn hóa dữ liệu và tích hợp vào Cơ sở dữ liệu.
4) Lợi ích của số hóa di sản đem tới
a) Thuận lợi trong việc tìm hiểu, khai thác thông tin
Tích hợp cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa theo tiêu chuẩn khung kiến trúc Chính phủ điện tử do cơ quan quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông ban hành, nhằm mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở, phục vụ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân khai thác, tham gia phát triển, sáng tạo các dịch vụ mới.
b) Thuận lợi trong lưu trữ, bảo quản DSVH
Thuận lợi đầu tiên của việc SHDSVH là lưu trữ. Lưu trữ bảo quản là nhiệm vụ hàng đầu trong việc bảo vệ di sản văn hóa. SHDSVH giúpđảm bảo bảo quản nguyên gốc DSVH trong điều kiện tốt nhất.
SHDSVH ưu việt ở chỗ giúp hạn chế tối đa các phương tiện lưu trữ, phương pháp lưu trữ vốn cồng kềnh, phiền toái và kém hiệu quả mà các phương tiện truyền thống đòi hỏi phải có. Ngoài ra, SHDSVH còn có thể lưu giữ phần lớn thông tin về mọi loại hình DSVH (âm thanh, hình ảnh, phim) theo một định dạng chung.
c) Thuận lợi trong quảng bá DSVH
Hiện nay các bảo tàng, nhà sưu tập bắt đầu quan tâm đến việc số hóa những bộ sưu tập của mình. Internet đã cung cấp cho họ cơ hội được nghiên cứu, tìm hiểu về hiện vật, DSVH với mức chi phí thấp. Hơn nữa, SHDSVH còn có thể dễ dàng mở rộng không chỉ giới hạn trong một quốc gia mà còn là cả thế giới. CNTT giúp cho nhiều đối tượng công chúng chiêm ngưỡng các DSVH không phân biệt biên giới địa lý, tầng lớp xã hội.
d) Thuận tiện trong đánh giá, so sánh
Internet cung cấp công cụ tìm kiếm thông tin không giới hạn, các DSVH được số hóa dễ dàng nhận được sự đánh giá, so sánh với các nguồn dữ liệu DSVH khác, tham gia góp ý từ nhiều chuyên gia đến từ khắp mọi nơi trong cùng thời điểm. Do vậy, SHDSH có sức ảnh hưởng rộng rãi trong việc nghiên cứu, giáo dục và sự phát triển của văn hóa.
e) Thuận lợi trong truyền đạt thông tin
Các phương tiện thông tin có liên quan chặt chẽ đến quá trình số hóa. Một mặt, sự giao lưu giữa các cơ quan nghiên cứu và công chúng (thông qua email, website, cổng thông tin, truyền dữ liệu) làm gia tăng đáng kể sự tham gia của công chúng vào việc đánh giá chất lượng của SHDSVH. Mặt khác, việc truyền đạt thông tin nhanh chóng và thuận tiện thúc đẩy sự gia tăng giao lưu giữa các cơ quan nghiên cứu với nhau và tạo ra sự hợp tác phát triển./.